Trên hành trình tìm tòi, nghiên cứu về con người, sự việc liên quan đến thời trung đại của người Mường tỉnh Hòa Bình, chúng tôi tình cờ tiếp cận được thông tin trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, số ra ngày 29.5.2012, về có một con đường mang tên Quách Điêu tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Và từ đây, chúng tôi có dịp giới thiệu với công chúng tỉnh Hòa Bình để tự hào, với người dân xã Vĩnh Lộc A để biết về thân thế cụ Quách Điêu tức ông Đồ Gàn – một người Mường được đặt tên đường trên quê hương Bình Chánh.
Quách Điêu bút danh Đồ Gàn, sinh 1886, người dân tộc Mường tại làng Chiềng, xã Mãn Đức, nay là thị trấn Mãn Đức huyện Tân Lạc (vùng mường Bi) tỉnh Hòa Bình. Trước năm 1957, xã Mãn Đức thuộc huyện Lạc Sơn (vùng mường Vang). Vốn là người thông minh, giỏi chữ Hán, nhưng thời thuộc Pháp ông không tham gia chính sự, mặc dù thời tráng niên của ông đã có tỉnh Mường, rồi tỉnh Hòa Bình. Các chức sắc lãnh đạo tỉnh đứng đầu là quan Tuần phủ đến quan Án sát, quan Thương tá… đều do các nhà lang nắm giữ. Trong số họ nhiều người không biết chữ, giỏi chữ như ông Quách Điêu.
Nhà văn Quách Điêu – Đồ Gàn (1886-1951). Ảnh ở Bảo tàng Di sản văn hóa Mường Hòa Bình
Đã nhiều lần người Pháp vời Quách Điêu làm quan, nhưng ông cáo từ với lý do sức khỏe không được tốt. Không ra làm quan, Quách Điêu vùi đầu vào chữ Hán và sách vở chữ Hán. Xuất thân từ một trong bốn dòng lang lớn (Đinh, Quách, Bạch, Hà), ở mường Bi – lớn nhất trong 4 mường (Bi, Vang, Thàng, Động), lại giỏi chữ Hán (chữ Nho) mà không ra làm quan, đó là sự lạ khác người. Đã thế, ông suốt ngày sách vở, đọc đọc, ghi ghi và chăm chỉ dạy học, nhiều khi quên cả những sinh hoạt bình thường. Vì lý do đó, người ta gọi ông là Đồ Gàn và ông cũng ưng cái tên đó. Cái tên Đồ Gàn gắn chặt với Quách Điêu là thế. Và trong các tài liệu của người Pháp đều viết tên Quách Điêu tức Đồ Gàn, các bài báo của ông in trên Tạp chí Nam Phong cũng đều lấy bút danh Đồ Gàn.
Năm 1946, sau khi có hai cán bộ cách mạng đến gặp, ông Quách Điêu với tư cách nhà lang đã họp dân và giải thích về chính phủ cách mạng, về Hồ Chủ tịch và chế độ mới, không còn lang đạo. Do đó mọi người không phải cắt phiên đến giúp việc tại nhà lang nữa. Ông tích cực quyên góp và kêu gọi dân Mường quyên góp tiền của giúp chính quyền cách mạng. Vừa có uy tín với dân, vừa hiểu biết lại ở trung tâm mường Bi có ngã ba Mãn Đức, đến Lạc Sơn hay lên Mai Châu, Sơn La đều qua đây nên nhiều người biết ông và khi cần ông sẵn sàng giúp đỡ. Với uy tín của mình, ông Quách Điêu được Ban Cán sự Đảng mời làm Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Hòa Bình. Do bệnh trọng, ông Quách Điêu mất năm 1951. Mộ phần của ông hiện táng trên đồi cao khu Chiềng Khến, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc ngày nay.
Về lĩnh vực văn hóa, trong lời giới thiệu của Đào Thế Hùng về cuốn “Người Mường ở Hòa Bình” của Trần Từ tức Nguyễn Đức Từ Chi do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1996 có viết: “Đặc biệt khi thu thập tài liệu ở xã Mãn Đức, tức mường Khín (mường Khến – LV), J. Cuisinier được ông lang cun (lang lớn – LV) đứng đầu mường cung cấp cho những tư liệu chủ yếu để trở thành cơ sở cho những luận cứ của bà. Đó là một ông lang thạo chữ Nho, đã từng viết bài cho Tạp chí Nam Phong ở Hà Nội dưới bút hiệu Đồ Gàn…”
Đường Quách Điêu ở Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh – TP Hồ Chí Minh
Trong cuốn từ điển “Nhân vật lịch sử Việt Nam” của Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế do Nhà Xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2006 đề cập đến ông Quách Điêu, nhà văn, biệt hiệu Đồ Gàn, không rõ năm sinh, năm mất. Người dân tộc Mường quê ở Mãn Đức, Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình. Ông vốn dòng dõi quan Lang, thông Hán văn, nghiên cứu nhiều về lịch sử và phong tục người Mường, biên soạn bộ Hòa Bình Quan Lang sử lược – diễn ca. Sách ông có chép trong “Minh Đô sử” và được Sở Cuồng Lê Dư giới thiệu trong Tạp chí Nam Phong trước năm 1945 ở Hà Nội. “Hòa Bình quan lang sử lược – diễn ca” do ông biên soạn dựa theo “Minh Đô sử”. Theo Sở Cuồng Lê Dư giới thiệu trong Nam Phong vào năm 1925 (Ất Sửu Khải Định thứ 10), sách chép các sự việc của người Mường theo lịch sử có hệ thống từ cuối đời Hùng Vương bằng 3 ngôn ngữ là Hán – Nôm, Pháp ngữ và quốc ngữ. Xin trích một số đoạn trong “Hòa Bình quan lang sử khảo” của Quách Điêu:
“Đời Hùng – Vương
Phần văn xuôi: Quan lang khởi – tổ, từ cuối đời Văn – lang, là những con thứ, cháu thứ nhà vua, chia phong cho họ là: Đinh, Quách, Bạch, Hà, Xa, Cao. Sáu họ làm quan lang đều đem những người nhà trai, gái vào những chỗ rừng lớn thung – lũng, mở – mang ruộng vườn, chiêu – dân, lập -ấp, rồi sau con cháu sinh – sản nhiều giầu mãi ra, mới lập nên châu, tổng, xã, thôn, lúc bấy giờ họ nhà lang cha truyền con nối, đều xưng làm Quan Lang, con gái gọi là Mãng-Nàng, trên đối với vua là tình cha con, dưới đối với dân mường là nghĩa ông chủ, thầy tớ, tình nghĩa yêu mến nhau rất là thân thiện. Lúc ấy các Quan Lang hoặc về Kinh đô Phong – châu chầu vua, hoặc đem của vật lạ dâng vua (như dân mọi thứ sơn- hào, hoặc làm ra bánh giầy tròn, lấy tượng trời làm cha, bánh chưng vuông, lấy nghĩa đất làm mẹ, đem tiến vua)…
Phần thơ:
Hùng Vương là tổ nước mình
Phong Châu là chốn kinh thành triều đô
Lang từ khởi tổ ngày xưa
Cuối lang văn quốc bây giờ đã xa
Mỗi ngành con cháu đông ra
Họ chia Đinh, Quách, Bạch, Hà, Xa, Cao
Trải nơi rừng rậm đồi cao
Rủ đưa đầy tớ tìm vào khai hoang
Phá rừng núi mở ruộng nương
Chiêu dân lập ấp rộng đường gần xa
Sau này con cháu đông ra
Đặt tên châu, tổng cùng là xã thôn
(từ câu 5 đến câu 16)”
Về lịch sử hình thành tỉnh Hòa Bình, Quách Điêu viết:
“Phần văn xuôi: Năm Đồng – khánh, các Thổ – mục quan lang đều về bái – yết…và nghị – định trích lấy những dân Mường, hạt nào đều có quan lang các tỉnh, như là Ninh – bình, Sơn-tây, Hà-nội, Hưng-hóa mà lập ra một tỉnh, trước thì đóng tại phố Phương lâm, rồi đem dời lên Chợ Bờ, đều gọi tên là tỉnh Phương – lâm, đến năm Thành – thái lại dời tỉnh lỵ về đóng tại đầu làng Hòa-bình, mới đổi gọi là tỉnh Hòa-bình, gồm thuộc cả 5 châu (là Lạc – sơn, Kỳ – sơn, Lương- sơn, Mai – châu, Đà – bắc…)
Phần thơ:
Trích ra bốn tỉnh sau này
Hà Thành, Hưng Hóa, Sơn Tây, Ninh Bình
Đó là bán Thổ bán Kinh
Muốn đem quy tiện cho rành kỷ cương
Vậy nên thêm lập tỉnh Mường
Trước tiên đặt ở phố Phương bây giờ
Thứ sau lập ở Chợ Bờ
Phương Lâm là tỉnh tiếng xưa vẫn truyền
Đến năm Thành Thái niên gian
Rời đưa tỉnh lỵ về bên Hòa Bình
(từ câu 300 đến 310)”
Ông Quách Điêu – Đồ Gàn được coi là người Mường Hòa Bình đầu tiên viết bài in trên Tạp chí Nam Phong đầu thế kỷ 20. Đến đây có thể phấn khởi mà tin rằng, ngay đầu thế kỷ 20, người Hòa Bình nói chung, người Mường Hòa Bình nói riêng đã có một nhà văn, nhà văn hóa – Quách Điêu và tên ông đã được đặt tên cho một con đường tại TP Hồ Chí Minh – đường Quách Điêu mà đến nay người Hòa Bình mới biết để mà ghi nhận, để mà tự hào! Và “Cuối năm 2019, dự án nâng cấp đường Quách Điêu được khởi công thực hiện. Đây là một trong số những đường giao thông huyết mạch trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Tuyến đường được nâng cấp có tổng chiều dài 3.408m, rộng 7,5m đáp ứng 2 làn xe. Tổng kinh phí 49 tỷ 733 triệu đồng”.
Như vậy, có thể ông Quách Điêu là người Mường Hòa Bình đầu tiên được đặt tên đường ở ngoài tỉnh mà hôm nay người Hòa Bình mới biết.
Ông Quách Hải và ông Bùi Cường bên mộ đất của nhà văn Quách Điêu trên một ngọn đồi. Nếu không có tấm bia thì không thể nhận ra đây là phần mộ của một nhân vật nổi tiếng xứ Mường.
Chúng tôi tìm về Mường Khến, thị trấn Mãn Đức thì mới biết, sinh thời Quách Điêu có ba người vợ, nhưng chỉ được hai người con. Người con trai đầu tên là Quách Cẩm đã chết từ lúc chưa lấy vợ. Người con gái tên là Quách Thị Chót (út) hay thường gọi nàng Chót (khi có con gái đầu lòng đặt tên Hương thì bà Chót được gọi theo tên con đầu là mế Hương). Nàng Chót dáng người cao, cân đối và thuộc loại bà nàng xinh đẹp, lại được bố chăm nom cẩn thận và dạy chữ, dạy lễ nghĩa, phong tục Mường. Không những thế, bà còn được mẹ truyền dạy nghề lấy thuốc Nam giúp người, trong đó có bài thuốc chữa hiếm muộn gia truyền. Bà Quách Thị Chót đã mất cách nay vài năm. Hiện nay ông Bùi Cường, con trai bà Chót lo phần hương khói cho mẹ và ông ngoại Quách Điêu.
Được ông Cường đưa đi thăm một cụ Quách Điêu trên một ngọn đồi ở Chiềng Khến, chúng tôi không khỏi mủi lòng bởi nếu không có tấm bia đá cũ kỹ và không có người giới thiệu thì không ai có thể nghĩa đây là một ngôi mộ, mà lại là mộ của một người nổi tiếng. Để tri ân nhà văn hóa Mường thời cận đại, lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình chủ trương kêu gọi hội viên và những tấm lòng hảo tâm chung ta xây mộ cụ Quách Điêu – Đồ Gàn, người Mường Hòa Bình đầu tiên viết văn, viết báo và được đặt tên đường tại TP Hồ Chí Minh.
LÊ VA
Nguồn: vanhocsaigon.com
2024© Nhà Tốt Vĩnh Lộc